Tại buổi tọa đàm BizTALK “Làm sao để Việt kiều, người nước ngoài dễ mua nhà tại Việt Nam?” được tổ chức ngày 16/9, các chuyên gia cho rằng đừng nên kỳ vọng quá lớn vào một cú hích ngay lập tức đến từ Luật Nhà ở (sửa đổi) đối với thị trường địa ốc trong nước.

Không nên quá ảo tưởng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM ghi nhận, giai đoạn 2008 - 2015, Quốc hội đã thí điểm cho người nước ngoài mua nhà. Tổng số người muốn mua nhà tại Việt Nam trong trong 7 năm đó đạt khoảng 500 trường hợp.

Nhưng ông Châu nhận định con số này chẳng đáng là bao so với cộng đồng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài và 30 nghìn CEO nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Mới đây, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà tại Việt Nam. Sự điều chỉnh trong luật pháp vừa qua trong bối cảnh hội nhập sẽ tạo xung lực để khai thác phân khúc khách hàng tiềm năng còn chưa được khai thác hết mức này.

Ông nhấn mạnh, cần lưu ý không nên vì sự tiềm năng này mà ảo tưởng về cú hích của nó đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Thực tế cho thấy, sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, mới chỉ có 7 - 8 trường hợp được cấp sổ đỏ trong 2 tháng và 500 trường hợp đang được chờ cấp trên phạm vi toàn quốc. Rất nhiều người có nhu cầu thực, song vẫn đang trì hoãn để chờ hướng dẫn cụ thể.

Vị chuyên gia này chỉ ra, không nên lầm tưởng người nước ngoài muốn sở hữu nhà tại Việt Nam. Đa số, các doanh nghiệp châu Á thích mua đứt bán đoạt đối với BĐS, tuy nhiên người châu Âu tại Việt Nam lại muốn thuê là chính.


Ông Lê Hoàng Châu (trái), Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM
Do đó, ông cho rằng cần xác định được phân khúc khách hàng thực sự có tiềm năng để tập trung phục vụ họ. Cụ thể, nhóm đầu tiên là hơn 30 nghìn CEO nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Còn nhóm thứ 2 là cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc,… đây là những nhóm có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với chúng ta.

Phụ thuộc vào độ trễ

Phó Chủ tịch ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM Trần Hòa Phương đánh giá, Luật nhà ở sửa đổi năm 2014 gần như đã “nới lỏng” tối đa quy định đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có thể kích thích cộng đồng Việt kiều hồi hương làm tăng nhu cầu đối với thị trường BĐS trong nước.

Đồng quan điểm trên, ông Phương cũng cho rằng cần phải có thời gian để các tác động tích cực từ bộ luật thấm dần vào thị trường. Theo ông, Bộ luật sẽ không gây sốt hay biến động ngay tức thời mà Luật sẽ dần dần ngấm vào thị trường. Tuy nhiên, tốc độ ngấm sẽ lại còn phụ thuộc vào các động thái theo sau đó của chính phủ.

Ông Phương lấy ví dụ như Luật Quốc tịch Việt Nam được ban bố năm 2008, song mãi tới năm 2010 mới có thông tư hướng dẫn, như vậy độ trễ kéo giãn tới 2 năm. Còn Luật nhà ở sửa đổi 2014 có hiệu lực vào đầu tháng 7 hy vọng độ trễ lần này chỉ là 2 tháng.

Xung quanh vấn đề tiềm năng của khách hàng Việt kiều, theo ông Phương, không nên xem họ là những “túi tiền di động” mang tiền về Việt Nam tiêu pha. Mà cần chú ý tới một bộ phận đặc biệt đó là 400 nghìn người thuộc tầng lớp tri thức, đó mới chính là lớp khách hàng tiềm năng.

Theo ghi nhận thực tế của ông Phương, khi Luật nhà ở được sửa đổi có hiệu lực thì số lượng người quan tâm tới vấn đề mua nhà tại Việt Nam có tăng lên đối với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM.


Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ tịch ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM
Đặc biệt, có nhiều trường hợp tìm đến Ủy ban để tìm hiểu về việc chuyển đổi các dự án đã được họ đứng tên họ hàng hoặc người thân tại Việt Nam từ trước đây. Đến giờ, khi luật quy định chỉ cần nhập cảnh là có thể mua nhà thì họ có thể đứng tên chính chủ đối với BĐS của mình.

Cũng theo ông Phương, nếu chúng ta hoàn thành được tâm nguyện này của khách hàng thì chính họ sẽ lại những người quảng cáo điểm thuận lợi này cho những người nước ngoài khác đang có nhu cầu. Đây chính là lý do tại sao tôi cho rằng thị trường sẽ ấm lên trong thời gian tới.

Về vấn về này, ông Châu đánh giá, với tình hình như hiện nay, có thể thấy thị trường BĐS Việt Nam đang tiến bộ hơn nhiều so với một số nước khi cho người nước ngoài nhập cảnh và mua mọi loại nhà, ngoại trừ nhà ở xã hội. Chẳng hạn như Singapore chỉ cho người nước ngoài mua biệt thự ở 2 khu, trong số đó một khu là Sentosa còn lại chỉ được mua chung cư.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhấn mạnh, với những yếu tố đó, chúng ta hoàn toàn có lý do để kỳ vọng vào một hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Luật nhà ở sửa đổi đối với thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới.