Bản quyền phần mềm quản lý phòng máy Gcafe là câu chuyện liên quan trực tiếp đến 26.000 chủ phòng máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đang có 2 doanh nghiệp Việt Nam phát hành phần mềm này và doanh nghiệp nào cũng đều đưa ra bằng chứng về bản quyền của họ. Vậy đâu mới là sự thật?

“Chữ ký điện tử là không thể giả mạo”

Gcafe là phần mềm hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm truy cập Internet công cộng đáp ứng Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý các điểm truy cập Internet. Để trả lời câu hỏi của hàng chục ngàn chủ phòng máy tại Việt Nam đang lo lắng về việc đâu mới là doanh nghiệp có bản quyền thực sự đối với phần mềm Gcafe, câu chuyện cần phải đi ngược lại từ đầu: Phần mềm quản lý phòng máy iCafe Mavin do Công ty Hangzhou Shunwang Technology (Trung Quốc) là chủ sở hữu. Để bảo vệ quyền của chủ sở hữu chương trình máy tính, Công ty Hangzhou Shunwang Technology đã ký kết hợp đồng chữ ký điện tử với Global Sign và thực hiện “ký” tên công ty lên toàn bộ các file hệ thống và file cài đặt của chương trình máy tính iCafe Mavin.
Công ty Shunwang có ký hợp đồng với Công ty Garena Singapore để đối tác phân phối iCafe mavin tại Việt Nam, thời hạn hợp đồng kết thúc vào ngày 28/2/2015. Sau thời hạn này, hai bên không tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Mặc dù đã chấm dứt hợp đồng phân phối tại Việt Nam, nhưng Công ty Shunwang lại phát hiện ra phần mềm của mình vẫn được một doanh nghiệp là Công ty Tin học Hòa Bình phân phối tại Việt Nam trong bộ sản phẩm được gọi là Gcafe.
Công ty Shunwang có thông báo sẽ khởi kiện Công ty Tin học Hòa Bình vì phân phối trái phép phần mềm Gcafe Diskless tại Việt Nam. Bằng chứng Shunwang đưa ra là toàn bộ các phần mềm Gcafe Diskless tại Việt Nam được phân phối bởi Công ty Tin học Hòa Bình có chữ ký điện tử của Shunwang trên toàn bộ các file hệ thống, file cài đặt của phần mềm.
[IMG]http://statis.*******/images/upload/2015/11/09/51_dY9ZE4Vikm_1.jpg?w=680[/IMG]
Trước thông tin này, Công ty Tin Học Hòa Bình có ra thông cáo, khẳng định mình có bản quyền đối với chương trình máy tính Gcafe Professional và đưa ra giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam đối với chương trình máy tính Gcafe Professional nhưng không đưa ra được các hình ảnh giao diện của chương trình máy tính (phần đính kèm với giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả).
Đặc biệt, khi Shunwang đưa ra bằng chứng về các chữ ký điện tử, Công ty CP Tin học Hòa Bình chưa bao giờ chính thức giải thích với các khách hàng rằng tại sao trong phần mềm Gcafe Diskless mà họ nói họ là tác giả lại chứa đựng toàn bộ chữ ký điện tử của Shunwang.
Theo chuyên gia Công nghệ Nguyễn Hồng Hải, Công ty Global Sign, thì chữ ký điện tử Global Sign trên mỗi các file chương trình chứng thực được rằng các file đó thuộc quyền sở hữu của đơn vị, doanh nghiệp ký tên lên đó. Chữ ký điện tử này là do Quốc tế cung cấp để có thể phát hành trên toàn thế giới và nó cũng thể hiện được doanh nghiệp nào là đơn vị quản lý phần mềm đó. Chữ ký điện tử này không thể làm giả mạo được. Vì thế, dù có “nhái” ra những phần mềm khác nhưng chữ ký thì không thể làm giả được nên chủ sở hữu vẫn thuộc về doanh nghiệp có chữ ký điện tử.
Bản quyền khác với nhãn hiệu hàng hóa!
Đối với hàng chục ngàn đại lý Internet tại Việt Nam, khi nỗi lo về việc phần mềm họ đang sử dụng có thể là phần mềm không có bản quyền đang lớn dần lên, thì họ có cơ hội được sử dụng phần mềm này với bản quyền được công nhận từ chính Shunwang. Hơn 2 tháng sau khi Shunwang thông báo sẽ theo đuổi vụ kiện bản quyền này tại Việt Nam, họ tìm được đối tác khác.
Ngày 15/10/2015, Shunwang ủy quyền cho công ty CP VNG thực hiện phân phối phần mềm iCafe Mavin. Sau khi Công ty CP VNG phát hành, phân phối phần mềm iCafe Mavin Việt Nam với tên gọi là Gcafe, Công ty Tin học Hòa Bình bất ngờ ra thông báo khẳng định quyền sở hữu đối với... tác phẩm mỹ thuật ứng dụng logo Gcafe.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là người duy nhất có quyền cho phép người khác công bố và phổ biến tác phẩm. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 có nói rõ tác giả có quyền đối với việc đưa sản phẩm của mình ra cho công chúng biết.
Trong trường hợp tác giả là chủ sở hữu thì người tác giả đó có quyền, còn trong trường hợp tác giả là người được cơ quan chủ quản giao, hoặc tác giả đã bán lại cho cơ quan khác hoặc người khác, thì người mua có quyền sử dụng đưa sản phẩm ra công chúng. Việc ủy quyền đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nếu xảy ra tranh chấp về bản quyền tác giả thì người tranh chấp phải đưa ra bằng chứng, căn cứ để chứng minh được mình là tác giả của sản phẩm đó, nếu chuyển nhượng, ủy quyền thì nó phải hiện rõ trong hợp đồng”.
Cũng theo ông Hùng thì bản quyền đối với chương trình máy tính và nhãn hiệu hàng hóa là hoàn toàn khác nhau, nhãn hiệu hàng hóa thuộc đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, còn chương trình máy tính do Bộ VH,TT-DL và Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Hai công ty đều sử dụng phần mềm có tên gọi giống nhau, nhưng nội dung của nó phải khác nhau, nếu nội dung mà trùng nhau thì cần phải xem bên nào được ủy quyền hợp pháp, bên nào vi phạm thì bên đó phải chịu trách nhiệm.
Mọi thông tin sẽ liên tục được cập nhật và truyền tải đến quý độc giả trong các bài viết tiếp theo tại chuyên mục: THỊ TRƯỜNG.
Theo CAND







Theo *******