Giá tiêu hôm nay 2/8 trong khoảng 70.500 - 74.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu Indonesia đã tăng mạnh trong ngày đầu tiên của tháng 8/2022, cùng đà tăng là tại Ấn Độ.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.500 đồng/kg.



Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Kết thúc tuần trước, giá tiêu trong nước tăng trung bình 1.500 đồng/kg. Tổng kết tháng 7/2022, thị trường cao hơn đầu tháng 1.000 - 2.000 đồng/kg. 10 ngày cuối tháng 7/2022 chứng kiến thị trường khởi sắc hơn với lực mua tăng mạnh từ biên giới phía Bắc.

Dự báo về thị trường, trong cuộc họp cuối tháng 7/2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho hay, giá hồ tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, khi nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt. Trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại.

Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng.

Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách zero Covid sẽ khiến cho nhu cầu của nước này chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới trong tháng 6 đã tăng trở lại, tuy nhiên đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng khi sức mua của thị trường này vẫn ở mức thấp.

VPA thông tin thêm, tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặt biệt các quốc gia xuất khẩu của Đông Nam Á.

Để tránh chậm giao hàng do tình trạng tắt nghẽn tại cảng trung chuyển, các chủ hàng có xu hướng đặt chỗ các tuyến trực tiếp. Theo DHL, dự kiến phụ phí BAF sẽ tăng khi các hãng vận tải bắt đầu thông báo phụ phí nhiên liệu khẩn cấp.

Tình trạng thiếu tàu ảnh hưởng đến các tuyến vận chuyển trên toàn thế giới, khi 14 dịch vụ tàu viễn dương đang bị thiếu phân nửa số lượng tàu cần thiết để đảm bảo tần suất ra khơi cố định hàng tuần.

Hiện nay, đỉnh điểm thu hoạch hồ tiêu toàn cầu đã qua và áp lực bán ra không lớn. Tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Ấn Độ.

Trong nửa đầu năm nay, cơ cấu thị trường xuất khẩu tiêu của Brazil có nhiều biến động, khi chứng kiến sự giảm từ các thị trường tiêu thụ lớn trong năm ngoái như UAE, Mỹ, Ai Cập, Liên minh châu Âu EU (Đức, Hà Lan, Pháp, Italy…).

Sự sụt giảm này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Với riêng châu Âu - một thị trường xuất khẩu hàng đầu của Brazil, vấn đề hạn chế xuất khẩu chính là sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella trên hồ tiêu.

Trong năm 2022, các lô hàng tiêu đen từ Brazil xuất khẩu vào EU sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận và kết quả phân tích chứng minh không có vi khuẩn salmonella.

Ngược lại, Việt Nam, nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới bất ngờ trở thành khách hàng lớn nhất của Brazil với khối lượng kỷ lục là 8.331 tấn, tăng mạnh 83,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, một số nước khác cũng tăng nhập khẩu tiêu Brazil như: Ấn Độ (+47,2%), Morocco (+22,9%), Senegal (+29,9%),…